You are currently viewing Công nghệ mạng di động xG

Công nghệ mạng di động xG

Hệ thống mạng di động ngày càng phát triển với việc sử dụng các công nghệ khác nhau. Ta đã quá đỗi quen thuộc với những từ như 2G, 3G, 4G hay độc đáo hơn nữa là 5G đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, bất kì ai cũng sở hữu riêng cho mình một chiếc điện thoại. Vậy các công nghệ mạng di động 1G, 2G, 3G, 4G, 5G là gì? Bạn đã hiểu về ý nghĩa thực sự của các con số này chưa? Vậy hãy cùng Digalyst tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ xG nhé !

Ý nghĩa của chữ “G”

“G” là viết tắt của từ Generation (thế hệ), với 1G, 2G, 3G, 4G, 5G nghĩa là thứ tự, phiên bản của của các thế hệ công nghệ mạng di động từ trước đến nay.

Ở mỗi thời kì, mạng di động sẽ có những tiêu chuẩn và công nghệ khác nhau của mạng di động. Và tất nhiên, thế hệ sau luôn được kế thừa những điểm mạnh và phát triển thêm những công nghệ mới để nâng cao chất lượng mạng di động.

Mạng di động 1G

Là mạng di động không dây cơ bản đầu tiên trên thế giới. Nó là hệ thống giao tiếp thông tin qua kết nối tín hiệu analog được xuất hiện lần đầu vào những năm đầu thập niên 80s. Nó sử dụng các ăng-ten thu phát sóng gắn ngoài, kết nối theo tín hiệu analog tới các trạm thu phát sóng và nhận tín hiệu xử lý thoại thông qua các module gắn trong máy di động. Chính vì thế mà các thế hệ máy di động đầu tiên trên thế giới có kích thước khá to và cồng kềnh do tích hợp cùng lúc 2 module thu tín hiện và phát tín hiệu.


Mặc dù là chỉ mang tần số150MHz nhưng mạng 1G cũng phân ra khá nhiều chuẩn kết nối theo từng phân vùng riêng trên thế giới: NMT (Nordic Mobile Telephone) là chuẩn dành cho các nước Bắc Âu và Nga; AMPS (Advanced Mobile Phone System) tại Hoa Kỳ; TACS (Total Access Communications System) tại Anh; JTAGS tại Nhật; C-Netz tại Tây Đức; Radiocom 2000 tại Pháp; RTMI tại Ý.

Mạng di động 2G

2G được ra mắt vào năm 1992 và được triển khai thương mại dựa trên tiêu chuẩn GSM ở Phần Lan bởi nhà mạng Radiolinja (hiện tại là một phần của công ty viễn thông Elisa Oyj). Các thế hệ mạng tiếp theo thì tín hiệu mạng đã được chuyển từ Analog sang Digital. Những nâng cấp đáng giá so với 1G đó là:

  • Mạng 2G cho phép người dùng gọi thoại với tín hiệu đã được mã hóa dưới dạng tín hiệu kỹ thuật số (dạng nhị phân 0 và 1). Vậy nên tính bảo mật thông tin của 2G được cải thiện hơn rất nhiều so với mạng 1G.
  • 2G cũng hỗ trợ nhiều người dùng cùng một lúc trên mỗi dải tần hoạt động.
  • Hỗ trợ dịch vụ gửi và nhận tin nhắn văn bản SMS.
  • Các thiết bị cũng được thiết kế nhỏ đi rất nhiều do tín hiệu mạng đã được chuyển từ Analog sang Digital.
  • Tốc độ của dữ liệu của 2G đạt 64 Kbps trong một giây. Rất cao ở thời điểm đó !

Ở thế hệ mạng 2G này thì chúng ta cũng có thể 2 phiên bản nữa là mạng 2.5G và mạng 2.75G. Cụ thể thì như sau:

  • Mạng 2.5G (hay còn gọi là GPRS) được ra mắt vào năm 2000, đây là phiên bản mạng đã được nâng cao chất lượng cuộc gọi, bên cạnh đó, việc kết nối Internet trên thiết bị di động cũng bắt đầu được hình thành. Tốc độ mạng tối đa của mạng 2.5G là 50 Kbps nên việc truy cập Internet là tương đối khó khăn.
  • Mạng 2.75G (hay còn gọi là EDGE) được ra mắt vào năm 2003, phiên bản này thì chất lượng mạng đã được cải tiến tốt hơn khá nhiều so với mạng GPRS. Tốc độ mạng có thể đạt 1Mbps nên việc truy cập Internet để đọc báo đã dễ thở hơn rất nhiều 😀

Ở Việt Nam chúng ta thì Mobifone là nhà mạng di động đầu tiên (nó được chính thức hoạt động vào ngày 16 tháng 4 năm 1993). Và phủ sóng mạng 2G toàn quốc vào năm 1998, tuy nhiên, nhà mạng VinaPhone mới là nhà mạng làm được điều này.

Mạng di động 3G

3G được giới thiệu bởi nhà mạng NTT Docomo vào năm 2001, và nó đã được thương mại hóa vào năm 2003, cho phép truyền tải dữ liệu thoại và cả những dữ liệu khác như email, hình ảnh, âm thanh, video,…. Nhìn chung, 3G là một sự bức phá với rất nhiều cải tiến mạnh mẽ so với các thế hệ trước đó. Nó được cải thiện mạnh mẽ nhất là phần băng thông, cũng như tốc độ truyền dữ liệu so với mạng 2G. Và ở giai đoạn này, Nhật Bản cũng là quốc gia triển khai 3G sớm nhất và họ cũng đã sớm thay thế toàn bộ mạng 2G  thành 3G vào năm 2007, tiếp đến là các nước ở Châu Âu. Tốc độ truyền tải dữ liệu của 3G đạt từ 384 Kbps đến 2 Mbps trong một giây, giúp người dùng có thể gửi và nhận những email có kích thước lớn hơn với tốc độ nhanh hơn. Mạng 3G có tốc độ mạng cao nhất là HSPA+ (trên điện thoại hiển thị là H+), với tốc độ lên đến 42 Mbps, giúp chúng ta có thể dễ dàng lướt Facebook, Youtube… một cách nhẹ nhàng. Mạng 3G được phủ sóng ở Việt Nam vào năm 2009 bởi VinaPhone ở 13 tỉnh và thành phố.

Mạng di động 4G

4G là thế hệ thứ tư và nó vẫn đang rất phổ biến ở thời điểm hiện tại (thời điểm năm 2021). Mạng 4G (LTE) được ra mắt vào năm 2013, cho tốc độ truyền tải dữ liệu cực nhanh, lý tưởng nhất vào khoản 1Gb đến 1,5Gb trong một giây. Chúng ta có 2 chuẩn 4G phổ biến gồm LTEAGiga LTE. Mạng LTEA có tốc độ truyền tải lên đến 300 Mbps, còn mạng Giga LTE thì cao cấp hơn – nó có tốc độ lên đến 1.2Gbps. Đặc biệt, 4G LTE được xem là tiêu chuẩn cho các thiết bị công nghệ hiện tại vì nó cho phép truyền tải dữ liệu với khoảng 12,5Mb khi đang di chuyển và cao hơn nếu người dùng đứng yên hoặc ít di chuyển. 4G cũng là một sự đột phá so với thế hệ mạng 3G, vì giờ đây, các cuộc gọi thoại video đang trở nên rất phổ biến, điều mà 3G khó có thể làm được. Và rõ ràng rồi, mạng 4G có thể làm bất cứ thứ gì mà 3G có thể làm được, không những thế, nó còn làm tốt hơn rất nhiều lần vì tốc độ truyền tải dữ liệu và băng thông luôn được nâng cao sau mỗi thế hệ.

Việt Nam là nước triển khai mạng 4G khá chậm, đến tận năm 2017 thì chúng ta mới phủ sóng toàn quốc mạng 4G. Tuy là có hơi chậm một chút nhưng bù lại, tốc độ mạng ở Việt Nam rất tốt (ở mức 21,49 Mbps), đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ xếp sau Singapore.

Mạng di động 5G

5G là thế hệ thứ năm của mạng di động, và nó chỉ mới được phát triển khoảng 1 – 2 năm trở lại đây. Và nó được cho là còn mạnh hơn cả WiFi hiện nay. 5G vẫn chưa được phổ cập rộng rãi cho tất cả người dùng, vì ở thời điểm hiện tại, chưa có nhiều quốc gia phủ sóng mạng 5G, hơn nữa nó có phí khá cao và thiết bị hỗ trợ vẫn chưa thực sự nhiều. Nhưng 5G được xem là một cuộc cách mạng lớn, vì nó hỗ trợ rất tốt cho IoT, VR, AR,… những công nghệ này đều được xem là chìa khóa để hướng đến tương lại của con người. Mạng 5G có tốc độ truyền tải dữ liệu lớn gấp 10 lần 4G, có nghĩa là trong điều kiện lý tưởng, 5G có thể truyền tải dữ liệu lên đến 10Gb trong một giây.

Tương lai ngành công nghiệp di động sẽ đi về đâu? Chưa ai có thể khẳng định được nhưng chắc chắn 5G chưa là đích đến cuối cùng mà ngành công nghiệp này hướng đến.

0 0 votes
Article Rating
Đăng ký
Thông báo
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận