Chắc hẳn phần lớn chúng ta khi đi làm ít nhiều sẽ mong muốn có một ngày mình được làm “Sếp”, ngồi ở vị trí “cao cao tại thượng như chốn Hậu cung”. Nhưng ai nói làm “chủ Hậu cung” là sướng, vốn dĩ càng lên vị trí cao áp lực công việc càng nặng nề hơn bao giờ hết.
Sếp – hơn cả là một người đi làm công việc được giao, đó còn là người chịu trách nhiệm định hướng công việc cho những cá nhân khác. Nói về công việc, có thể mệt hơn. Nói về áp lực, chắc chắn nhiều hơn. Bởi sếp là người phải đương đầu với mọi thách thức, luôn đòi hỏi phải sáng suốt trong từng hành động và lời nói, tính toán cho mọi bước đi và gánh trên vai sự sống còn của một tổ chức.
Thế nên, làm sếp có vẻ dễ… nhưng thật ra không dễ chút nào.
Sếp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành một doanh nghiệp, tổ chức hay một team. Nếu bạn có mong muốn và đang phấn đấu để trở thành một vị sếp, hãy rèn giũa, cải thiện những kiến thức về chuyên môn, luôn sẵn sàng tâm lý đối đầu với mọi thử thách, áp lực, và đặc biệt rèn luyện những kỹ năng cần thiết để quản lý, đánh giá và giải quyết công việc.
Làm sếp của bản thân trước khi làm sếp của mọi người
Sự thật thì bất kỳ vị sếp nào cũng là tấm gương chỉ đường và định hướng cho doanh nghiệp của họ. Bởi thế, muốn trở thành sếp của mọi người, trước hết bạn hãy là sếp của bản thân mình. Quản lý bản thân thật tốt để trở thành khuôn mẫu cho các nhân viên kính trọng và noi theo.
Quản lý công việc
Điều đầu tiên cũng là căn bản nhất – Quản lý công việc. Hàng ngày, bạn phải đối diện hàng tá vấn đề cần phải giải quyết, nếu làm việc không có kế hoạch, không sắp xếp công việc cần giải quyết theo trình tự thì bạn đang tự làm khó bản thân đó. Vì vậy, hãy lên kế hoạch và sắp xếp công việc một cách khoa học, giải quyết chúng theo trình tự: quan trọng – ít quan trọng – không quan trọng. Gen Z thường có câu nói vui “đợi nước đến cổ rồi bơi không muộn”, đừng nhé không ai biết được bạn sẽ ngạt thở lúc nào đâu.
Quản lý công việc tốt sẽ giúp bạn làm việc có hiệu quả, có năng suất và tiết kiệm được khối thời gian đấy.
Quản lý cảm xúc
Chắc chắn bạn đã từng trải qua cảm giác mệt mỏi và trở nên cáu gắt khi phải đối diện với hàng đống công việc mỗi ngày, thông báo bắt đầu nhảy, những deadline phải chạy,… đúng chứ!? Những áp lực từ công việc đè nặng lên tâm lý có thể sẽ khiến bạn trở nên căng thẳng. Bạn biết đó, ngồi ở vị trí càng cao, áp lực và trách nhiệm sẽ càng nặng.
Áp lực là thế, nhưng bạn không được phép thể hiện rõ cảm xúc ra ngoài mà phải học cách ẩn nó vào bên trong. Bởi thứ nhất, nó thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn, bình tĩnh trong mọi vấn đề, tạo không gian làm việc thoải mái cho nhân viên. Thứ hai, cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng đến mọi người, vì không ai thích làm việc trong một không gian nồng nặc mùi thuốc súng đâu. Và cuối cùng, áp lực tạo nên kim cương, hãy trở thành viên kim cương sáng giá được mọi người xung quanh yêu mến, tôn trọng.
Quản lý lời nói
Con người luôn có những hỷ, nộ, ái, ố thường ngày. Khi vui, bạn có thể thoải mái nói ra hết những điều mà có thể không mảy may suy nghĩ. Khi buồn, bạn có thể sẽ khóc. Khi tức giận, bạn có thể sẽ nói ra những điều khó nghe. Vân vân và mây mây…
Nhưng một người quản lý của một tổ chức thì không được hành động như thế. Bởi vị trí cấp cao nắm nhiều thông tin bí mật của công ty, phải giao tiếp với nhiều bên, lời nói không kiểm soát sẽ khiến “cái miệng hại cái thân”. Hơn thế nữa, lời nói của sếp luôn có trọng lượng và thường có giá trị như một quyết định. Khi trở thành sếp, bạn không còn là nhân viên để “tám” thoải mái chốn công sở. Thân thiện không đồng nghĩa với thoải mái, vì thế, bạn cần cẩn trọng khi giao tiếp, nhiệt tình nhưng vẫn phải thể hiện sự nghiêm túc đối với mọi người.
Quản lý năng lượng
Công việc chất đống, làm hoài làm mãi sẽ khiến bản thân chúng ta rơi vào tình trạng mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng. Là một nhân viên để bản thân không rơi vào trạng thái tê liệt đã khó rồi, huống hồ chi là sếp. Tuy nhiên, nó lại là điều bắt buộc khi trở thành sếp, người đóng vai trò là đầu tàu cầm lái, bởi hiệu suất của sếp ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của nhân viên và sự phát triển của tổ chức.
Hãy học cách quản lý năng lượng của bản thân, có thể là bằng những giây phút thư giãn ngắn khi mệt mỏi, hoặc sắp xếp thời gian để luyện các bài tập thư giãn đầu óc, giãn cơ,… để bù đắp những năng lượng đã sử dụng và kết hợp với quản lý công việc, thời gian một cách logic, khoa học. Đừng quá dồn nén và tự tạo áp lực khiến bản thân mệt mỏi, năng lượng của bản sẽ không thể duy trì ổn định để giúp bạn vượt qua áp lực đâu.
Thật ra, đây là những yếu tố mà không chỉ là sếp mà mỗi nhân viên ai cũng cần rèn luyện. Rèn để hoàn thiện, luyện để thấu hiểu sẻ chia. Bản thân bạn hay sếp bạn khi làm việc cũng sẽ phải làm nhiều đầu việc, tiếp xúc với nhiều người, và còn bao điều phải lo toan trong cuộc sống. Căng thẳng là điều khó tránh khỏi. Vậy nên, nếu đôi khi bạn thấy sếp mình trở nên gắt gỏng, đừng vội tức giận với sếp vì sếp của chúng ta chắc hẳn rất mệt mỏi rồi, hãy thông cảm và nhẹ nhàng đưa sếp một ly nước kèm một lời động viên.
Để trở thành nhà lãnh đạo tốt là cả quá trình rèn luyện bền bỉ theo năm tháng. Vị trí càng cao đòi hỏi bạn phải sở hữu nhiều yếu tố từ kiến thức đến những kỹ năng cần có. Thông qua bài viết này, Digalyst hy vọng đã có thể giúp bạn phần nào định hình những yếu tố cần thiết để nuôi ước mơ trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời của bạn.
Ngoài ra, để tìm hiểu thêm những kiến thức mới liên quan đến Digital Marketing, Data Analysis, Technology bạn có thể truy cập Blog của Digalyst. Hoặc theo dõi Fanpage Facbook của chúng tôi để nhận được những thông tin bổ ích. Digalyst xin cảm ơn và chúc bạn một ngày vui vẻ!