You are currently viewing Đi làm ngay từ năm nhất… Nên hay Không nên?

Đi làm ngay từ năm nhất… Nên hay Không nên?

Có một sự thật rằng hầu hết các bạn sinh viên đều muốn có cơ hội được làm việc thực tế trong các doanh nghiệp, và thật sự “choáng ngợp” nếu bạn là sinh viên mới ra trường, nhưng sở hữu 3 – 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing, Sale, HR,… Và điều đó chỉ xảy ra nếu như bạn xách chân đi làm ngay từ năm nhất, năm hai, rồi khi vừa ra trường có thể bạn đã trở thành một Senior trong khi bạn bè đồng trang lứa vẫn còn cặm cụi đi Intern.

Đi làm thực tế ngay từ năm nhất, liệu có khả thi?

Mình vẫn thường được hỏi rằng “Năm nhất đã học và có kiến thức gì đâu mà đi làm?”, à thì đúng là vậy thật, một sinh viên năm nhất và bạn học sinh lớp 12 với những môn Toán Lý Hóa Anh vẫn chỉ mới cách nhau dăm ba tháng. Tuy nhiên, liệu năm hai, năm ba thì đã có kiến thức để đi làm chưa nhỉ? Câu trả lời là… “Tùy”. Tùy ở đây có nghĩa là khoảng thời gian năm nhất, năm hai đó bạn dùng để làm gì, dùng như thế nào, liệu điều bạn làm có mang lại giá trị gì cho bản thân sau này? Tìm tòi và “thu nạp” những nguồn kiến thức ở bất kỳ ngành nghề muốn tìm hiểu; hay “nạp năng lượng” từ các môn học trên giảng đường. Liệu đâu là con đường tốt dành cho bạn, liệu đâu là đôi cánh giúp bạn bay trong tương lai? Câu trả lời mình xin được bỏ dở để các bạn tự ngẫm nghĩ…

Quay trở lại vấn đề chính, liệu có đi làm từ năm nhất được không? Mình xin cam đoan, cam kết, khẳng định và tái khẳng định là chắc chắn được. Vì với một ngành học có phần mơ hồ, hoặc bạn có mong muốn làm trái ngành một xíu thì năm nhất hay năm tư chả khác nhau là bao, thứ bất lợi duy nhất có lẽ là bạn kẹt lịch học nhiều hơn những anh chị sắp hay vừa ra trường để có thể làm fulltime. Nhưng đừng lo, nếu bạn tìm được một công ty cho phép bạn linh hoạt trong công việc, sẵn sàng đào tạo nhân tài; và bản thân bạn thể hiện cho họ thấy được những tiềm năng sáng giá và tinh thần cầu tiến của bản thân, mình tin chắc bạn hoàn toàn có thể đánh bại những anh chị sinh viên khác bằng những trải nghiệm bạn đã có cùng với những chứng chỉ chuyên môn.

Đi làm thực tế ngay từ năm nhất, nên hay không?

Vậy rồi có nên đi thực tập này nọ ngay từ năm nhất không? Câu trả lời của mình vẫn là…. “Tùy”. Tùy thuộc vào nhu cầu vào mục tiêu nghề nghiệp của bản thân bạn. Sẽ rất nên nếu bạn muốn xuất phát sớm, trở thành nhân viên chính thức ngay khi năm hai, năm ba và có thể sẽ là Senior khi ra trường, hoặc bạn muốn trải nghiệm một lĩnh vực nào đó để tìm hướng đi chính xác cho mình. Tuy nhiên sẽ không thật cần thiết nếu bạn muốn dành toàn tâm cho việc học để phát triển theo hướng nghiên cứu, học thuật, hoặc ra trường có thể về làm việc tại các cơ quan nhà nước,… Nói chung là tùy mỗi người, và mình tin các bạn cũng tự ngẫm được là mình nên hay không mà.

Cái được và cái mất...

Bạn sẽ được gì?

  • Trải nghiệm sớm, biết được môi trường công việc thực sự sẽ như thế nào.
  • Tích lũy kinh nghiệm sớm, càng nhiều kinh nghiệm, càng có lợi cho công việc tương lai.
  • Có thêm thu nhập, đỡ bớt một phần tiền bạc cho phụ huynh, nếu lên được nhân viên chính thức thì có thể tự chủ 100% tài chính.
  • Có thêm nhiều mối quan hệ trong công việc (Mối quan hệ quan trọng lắm đó).
  • Tận dụng tốt thời gian làm sinh viên (Vì học đại học khá rảnh).

Bạn sẽ mất gì?

  • Mất khoảng thời gian học tập trên lớp, điểm số có thể thấp lè tè.
  • Mất mấy năm sinh viên ăn chơi tưng bừng cùng bạn bè (Ra đời đi làm rồi ít khi được vui như vậy).
  • Mất cơ hội được tham gia mấy hoạt động CLB, tình nguyện, bla bla (Vui lắm, đi làm không có đâu).
  • Áp lực, đi làm sớm cũng là mệt sớm, hết được vui vẻ hồn nhiên rồi.

Nếu bạn quyết định đi làm từ năm nhất, đây là một số tips mình dành cho bạn!

Định hướng rõ ràng, mục tiêu công việc cụ thể

Ở cái bước đầu tiên này, tìm được cho mình cái hướng để đi là oke lắm rồi, càng cụ thể càng tốt, nếu không thì biết là mình muốn đi theo Marketing, Sale, HR, Finance gì đó cũng là ổn rồi. Điều quan trọng là chịu khó tìm hiểu, làm thử cái này cái kia để coi mình hợp không, dành thời gian nghiền ngẫm bản thân mình nhiều hơn để biết mình hợp hay không hợp với những kiểu công việc nào. Tin mình đi, không thừa đâu.

Học và lấy những chứng chỉ liên quan đến công việc

Có định hướng xong rồi thì đi học thêm về cái lĩnh vực mà mình muốn theo, chứ học trên trường không đủ đâu, kiến thức trên trường đôi khi lạc hậu vài chục năm so với môi trường bên ngoài. Có rất nhiều kênh để học online và lấy những chứng chỉ có giá trị như Coursera, EdX, Udemy,… Và rất rất nhiều nơi cung cấp khóa học chất lượng khác. Những khóa học này sẽ là điểm nhấn cho CV của bạn trong mắt nhà tuyển dụng, nó cho thấy bạn là người ham học hỏi, cầu tiến và cũng đã có những kiến thức chuyên môn nhất định.

Thường xuyên theo dõi tin tức tuyển dụng

Việc của bạn bây giờ là săn tìm những cơ hội để đi thực tập rồi. Có nhiều kênh tuyển dụng có thể giúp bạn tìm những công việc thích hợp, tuy nhiên bạn cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng đâu là nơi mình nên tin tưởng để thực tập nhé. Bởi vì bên cạnh những công ty muốn trao cơ hội và phát triển nhân tài thì cũng có một số công ty lợi dụng danh nghĩa thực tập để về làm không công mà thực tế chẳng học được gì nhiều.

Sẵn sàng intern không lương 3 tháng đầu ở những công ty tốt

Có một sự thật là trong 3 tháng đầu tiên đi làm chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, vì vậy bạn có thể xin thực tập không lương, như một thành ý với nhà tuyển dụng rằng bạn rất khao khát có được cơ hội này. Và trong 3 tháng này hãy cố gắng thể hiện bản thân mình thật tốt nhé. Lưu ý là nên tránh những công ty bắt bạn không lương mãi nhé vì những công ty đó được liệt vào dạng lợi dụng danh nghĩa thực tập để bóc lột không lương rồi. Trên thực tế là, hầu hết những công ty tốt sẽ luôn trả lương bạn khi đi thực tập, như công việc thực tập trước đây của mình mức lương được trả tùy vào số giờ làm việc nhưng nó dao động từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Không ngừng trau dồi kiến thức trong lĩnh vực đang theo đuổi

Một khi bạn đã có công việc thực tập, nghĩa là bạn đã có được 50% cơ hội thực hiện hóa mục tiêu xuất phát sớm rồi, bây giờ hãy cố gắng trau dồi thật tốt các kiến thức, kỹ năng công việc, học thêm những khóa học bên ngoài, tạo mối quan hệ với anh chị đồng nghiệp, chỉ cần vậy bạn sẽ nhanh chóng thành công trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi.

Bài viết trên là góc nhìn của mình, một người may mắn có được cơ hội đi thực tập vị trí Marketing Intern tại một startup về Ed-tech của Thụy Điển. Đối với bản thân mình, đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, nhờ đó mình đã có được nhiều cơ hội làm việc tài nhiều công ty khác, và trở thành một Digital Marketing Executive vào năm hai Đại học. Mình hy vọng bài viết này sẽ mở ra một góc nhìn mới về con đường sự nghiệp cho các bạn sinh viên, mong rằng các bạn sẽ luôn thành công và phát triển trong cuộc sống.

Hãy đóng góp phản hồi của bạn bằng cách để lại bình luận phía dưới để Digalyst ngày càng hoàn thiện hơn nhé!

0 0 votes
Article Rating
Đăng ký
Thông báo
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận